Monday, October 3, 2016

Làm "trọng tài" cho con cái

Làm "trọng tài" cho con cái

Người mẹ là trọng tài trong các cuộc tranh chấp, nhưng có sự tham gia xử lý của người cha thì ảnh hưởng sẽ “nặng ký” hơn. Cha mẹ có thể tạo ra những tình huống giáo dục bằng cách chơi chung với trẻ, làm tăng sự hợp tác.

Để giúp con cái sống hoà thuận, cha mẹ hãy áp dụng 5 nguyên tắc sau đây:


Nhìn toàn cảnh

Nhà giáo dục Elizabeth Crary nói: "Người lớn thường xuyên can dự vào cuộc tranh chấp nên họ không nhìn được toàn cảnh". Đứa trẻ tạo hỗn loạn bằng hành vi thù nghịch cũng có thể là nạn nhân của sự trêu ghẹo liên tiếp từ một đứa trẻ khác. Biết rõ điều gì đang xảy ra thì cha mẹ có thể giúp đỡ cho cả hai đứa trẻ.

Nhận biết trẻ để có dịp khuyến khích trẻ có cách xử sự tốt: "Mẹ thích cái cách mà con cho em cùng chơi như vậy".


Tập trung vào tình cảm

Khi tức giận, trẻ cũng khó xử lý đúng. Trước hết, đặc biệt với đứa nhỏ hơn, cha mẹ có thể cần gợi ý. Chẳng hạn: "Mẹ biết con buồn vì chị con không cho con chơi bút màu", hoặc: "Con có vẻ buồn vì mẹ dành nhiều thời gian cho em bé". Khi trẻ thấy tình cảm của mình được nhận biết, thì trẻ thường dễ thông cảm hơn với người khác.


Bảo vệ quyền sở hữu của trẻ

Tài sản và quyền cá nhân khá quan trọng đối với trẻ. Nên bảo vệ “quyền sở hữu” của trẻ để hạn chế việc tranh giành, đối chất. Khoảng riêng tư cũng đáng được bảo vệ. Tuy nhiên, cũng cần khuyến khích ở trẻ sự nhường nhịn hợp lý.


Để trẻ tự trả lời

Hãy giúp trẻ tự tìm ra cách giải quyết. Kế hoạch 3 bước là “thượng sách”. Một, xác định vấn đề: “Tranh giành cái gì?”, Hai, thúc đẩy sự hiểu biết bằng cách hỏi trẻ lặp lại quan điểm của chúng: “Anh/chị/em con nói gì về việc chơi đồ chơi?”. Ba, hãy xem trẻ có thể tìm cách giải quyết hay không.


Làm gương tốt

Người mẹ là trọng tài trong các cuộc tranh chấp, nhưng có sự tham gia xử lý của người cha thì ảnh hưởng sẽ “nặng ký” hơn. Cha mẹ có thể tạo ra những tình huống giáo dục bằng cách chơi chung với trẻ làm tăng sự hợp tác. Được kích thích, trẻ sẽ thân thiện, biết yêu thương nhau trong gia đình.

Khi chơi, trẻ học được những gì?

Khi chơi, trẻ học được những gì?

Trẻ em tiếp thu rất tốt khi chơi. Tất cả các bậc cha mẹ đều mong đứa con 3-4 tuổi của mình được chuẩn bị để học chữ. Họ sốt ruột vì thấy trường mẫu giáo cho cháu chơi nhiều hơn học. Ðừng lo lắng! Chơi là chương trình học rất tốt! Tất cả các hoạt động vui chơi cháu bé tham gia sẽ xây dựng cho trẻ khả năng nhận thức, tình cảm, thể lý và xã hội.

Học từ các khối nhựa, gỗ...:

Những vật hình khối giúp trẻ nhận thức được không gian ba chiều, khái niệm sau này sẽ là nền tảng cho những bài hình học, vật lý, kiến trúc và kỹ thuật. Trẻ mẫu giáo thích tưởng tượng những vật hình khối có kích cỡ to, vừa, nhỏ như đó là bố, mẹ và con. Qua đó, trẻ thể hiện sự hiểu biết về những mối tương quan kích cỡ trong thế giới thật. Các bé gái ít có cơ hội phát triển những kỹ năng quan trọng nếu bọn con trai giành hết các đồ chơi xây dựng. Vì thế, những cô mẫu giáo giỏi thường sử dụng nhiều đồ chơi khác nhau để khuyến thích các bé gái tham gia trò xây dựng. Các bé trai thường xếp những khối to nhỏ với nhau thành lâu đài, con tàu vũ trụ... và hình dung trong đầu một khung cảnh nào đó trên con tàu. Như thế chúng có cơ hội phát triển trí tưởng tượng mà các bé gái thường học qua những trò đóng kịch với búp bê, chơi bán hàng...

Học qua đường nét:

Hầu hết trẻ ba tuổi thích vẽ hay viết nguệch ngoạc. Dù với bạn, những đường nét đó là vô nghĩa nhưng chúng lại rất ý nghĩa đối với "tác giả" của chúng. Lúc 4 tuổi, nhiều em bắt đầu vẽ những hình và tranh biểu tượng cho người, cảnh hay những thứ chúng thấy hay tưởng tượng ra. Cũng như việc học từ vựng giúp trẻ suy nghĩ tốt hơn, chuyện vẽ nguệch ngoạc hay vẽ tranh có thể là bước nhảy ban đầu để quan sát thế giới xung quanh. Khi những hình vẽ của trẻ ngày càng phức tạp, chúng cũng chú ý nhiều đến chi tiết và thường hỏi những câu cụ thể hơn, như : "Sao cái đuôi con chó kia ngắn quá vậy?".

Học khi hát và múa:

Hát những bài hát ngắn giúp trẻ 3 tuổi thưởng thức âm thanh của từ và là bước chuẩn bị cho trẻ học đọc sau này. Khi 4 tuổi, chúng có thể hát những bài hát dài hơn, múa những bài múa đơn giản theo nhịp điệu của những nhạc cụ như trống, thanh gõ, và trống lắc. Hát và múa cũng giúp trẻ tự nhiên, linh động và sáng tạo, những điều rất cần ở các lĩnh vực khác trong cuộc sống.

Trí tưởng tượng trong chuyển động:

Khi chơi với những đồ chơi như xe hơi, xe tải, máy bay, tàu lửa..., và giả vờ hồi hộp vì tốc độ, trẻ mẫu giáo cảm thấy lớn mạnh và trưởng thành. Khi trẻ tưởng tượng và chơi trò đi xe trên một con đường dài, có thể trẻ đang nghĩ cách vượt qua nỗi lo lắng vì phải xa rời người thân. Một nữ tiến sĩ tâm lý học kể rằng có hai đứa bé trai 3 tuổi suýt bị tai nạn xe hơi. Vài tuần sau, hai chú bé đó diễn lại sự cố kinh hoàng đó trong góc sân chơi ở trường mẫu giáo. Bà nói: "Chơi giúp trẻ vượt qua những phản ứng xúc cảm của nó".

Chơi ráp hình: 

Khi chơi ráp hình (với bộ Lego chẳng hạn), trẻ phát triển khả năng suy luận về không gian, quan sát những kiểu mẫu và chi tiết, thực tập sự phối hợp tay và mắt. Chúng sẽ tiến từ những bài tập ráp hình tương đối đơn giản (khoảng 10 miếng lắp ráp) tới những bài tập khó hơn (hơn 20 miếng lắp ráp nhỏ hơn, phẳng, những miếng lắp ráp ăn khớp với nhau). Những bài tập lắp ráp không nên quá khó (sẽ gây bực dọc!) hay quá dễ (gây chán nản!) nhưng nên vừa đủ thách thức trẻ để dạy chúng tập trung và kiên trì giải toán. Nếu cho một nhóm cùng làm, chúng có thể làm được những bài tập ráp hình rất khó, đồng thời trẻ học được các cộng tác và trù tính những chiến lược để giải bài.

Chơi ngoài trời:

Ðộng tác chạy và trèo làm cho trẻ phát triển những kỹ năng thể lý, củng cố cơ bắp và thực tập thế cân bằng. Vì ngoài sân trẻ ít bị giám sát hơn trong lớp nên sân chơi cũng là nơi hoạt động chung để học những bài học có tính xã hội. Ngoài sân, trẻ học cách chia sẻ và thay phiên nhau, bày trò để chơi chung. Khi xung đột nảy sinh, chúng giải quyết bằng cách của chúng, học cách thương lượng và đánh giá khả năng của một nhóm, một "phe".

Giả vờ đọc:

Một số ít trẻ mẫu giáo có thể đọc thật, nhưng thường thì chúng không biết đọc và chỉ thích lướt qua những quyển sách nào có nhiều hình minh hoạ. Trẻ 4 tuổi có thể nghe một câu chuyện nhiều lần rồi "đọc" chuyện đó theo trí nhớ cho bạn cùng lớp. Kiểu đọc giả vờ này, cũng như viết giả vờ, là khúc dạo cần thiết cho việc đọc và viết thực sự. Những lúc ấy, trẻ đang học ba bài học quan trọng: kể chuyện có mở đầu, nội dung và kết thúc; chia sẻ câu chuyện với những người khác; và kết bạn thật sự với sách.

Xây dựng hạnh phúc gia đình qua những bữa cơm hàng ngày

Xây dựng hạnh phúc gia đình qua những bữa cơm hàng ngày
Lê Thi - GS, Trung tâm nghiên cứu Gia đình và Phụ nữ

Nói đến hạnh phúc gia đình chúng ta thường mô tả bằng những từ thật đẹp đẽ và được thể hiện qua những giá trị đạo đức rất đáng trân trọng như tình yêu, lòng chung thuỷ, tình nghĩa vợ chồng, lòng yêu thương, hy sinh cho con cái, sự quý trọng, hiếu đễ của con cháu với cha mẹ, ông bà... Điều đó là đúng, nhưng đồng thời hạnh phúc gia đình cũng được thể hiện qua những việc làm nho nhỏ trong cách ứng xử, đối xử giữa các thành viên, qua những nét sinh hoạt cụ thể, diễn ra hàng ngày trong đời thường, như ăn uống, nghỉ ngơi, chuyện trò, vui chơi của gia đình. Vì vậy, chúng ta không thể xem nhẹ ý nghĩa của bữa cơm hàng ngày đối với việc xây dựng hạnh phúc gia đình.

Ông cha ta thường nói bữa cơm gia đình đơn sơ, đạm bạc nhưng cơm dẻo canh ngọt, mùa hè có bát canh rau cải ngọt ăn với vài miếng đậu phụ sao mà ngon thế? Mùa đông thì cơm nóng canh sốt, tuy chẳng phải là cao hương mỹ vị nhưng thật phù hợp với yêu cầu của các thành viên. Vì Sao vậy? Bởi vì bữa cơm tuy không có nhiều món ăn cầu kỳ đắt tiền, nhưng thường người nấu ăn, trước hết là người vợ, người mẹ luôn quan tâm đến sở thích của chồng con: con nhỏ thích ăn trứng rán, chồng thích vài miếng thịt luộc ăn với đĩa dưa chua, bát canh riêu cá nấu dấm chua. Mùa hè, cả nhà thích ăn đậu phụ với rau muống luộc, có bát canh đánh dấm chua, chấm với nước mắm chanh, ớt, tỏi... Thỉnh thoảng cả nhà mới có bữa ăn "cải thiện", giò chả cho trẻ con, hay nem rán, thịt quay cho người lớn... Như vậy bữa ăn gia đình trước hết là phù hợp với khẩu vị từng người, từng gia đình, tuy có chiếu cố đến số đông, nhưng không quên có thành viên không thích ăn món này, món kia, để chú ý cho họ có cái gì ăn phù hợp.

Ăn bữa cơm, mỗi người được thoả mãn nhu cầu vật chất của mình thấy vui vẻ, phấn chân, ăn ngon, ăn no, và rất thoải mái trong khi ăn, thích ăn gì thì gắp, tự do lựa chọn, không phải khách sáo. Đồng thời, qua bữa cơm lại giáo dục cho mỗi thành viên, đặc biệt là trẻ em, biết nhường nhịn, có miếng gì ngon cần chú ý để phần cho người khác, không dành lấy ăn hết. Đó là cách giáo dục cụ thể, thiết thực, đời thường, về ý thức san sẻ vui thú hay khổ đau giữa anh em trong gia đình rồi sau toả rộng ra ngoài xã hội, cộng đồng.

Bữa cơm là dịp cả gia đình đoàn tụ sau một ngày sống xa nhau, người lớn làm việc, trẻ em đi học. Hiện nay, có nhiều gia đình, buổi trưa cha mẹ ăn ở cơ quan, con lại ăn ở lớp học bán trú. Cả ngày chỉ đến buổi tối cả gia đình mới lại gặp nhau ở bữa ăn, chuyện trò hàn huyên, thông tin cho nhau về những sự kiện diễn ra trong ngày: con cái đi học điểm bài ra sao, bố mẹ ở cơ quan xí nghiệp có chuyện gì đáng lưu ý... Tất nhiên, lúc ăn nên nói để tránh quá ồn ào, nói bắn hạt cơm sang người bên cạnh... Nhưng rõ ràng bắt đầu bữa cơm là chuyện trò rộn rã và sau bữa cơm lại những câu chuyện dài hơn. Rồi sau đó con cái đi học bài, đi ngủ sớm, bố mẹ dọn dẹp nhà cửa, tắm giặt, xem ti vi mỗi người một việc. Do vậy, nếu không có những phút tụ tập cả gia đình xung quanh mâm cơm thì họ chẳng còn lúc nào gặp đủ mặt nhau để hàn huyên. Cũng vì vậy đến bữa ăn, khi thiếu một thành viên nào, mọi người đều nhắc nhở, hỏi thăm lý do vì sao chưa về ăn cơm...

Bữa cơm ăn tại gia đình khác ăn ở khách sạn, hàng quán, nơi đó sang trọng hơn, đẹp đẽ hơn, nhưng tại gia đình trong khung cảnh sống quen thuộc, gần gũi, với cách nấu ăn, món ăn quen thuộc lại tạo nên sự ấm cúng đặc biệt.

Hạnh phúc gia đình được xây dựng đơn gián như vậy đó! Nhưng để có được hạnh phúc đơn giản ấy, thì người chủ gia đình, đặc biệt người phụ nữ, cần chăm lo cho bữa ăn có ý nghĩa thật sự. Những món ăn không phải cầu kỳ, nhưng cách chọn, cách nấu cần phù hợp với sở thích các thành viên, vừa với túi tiền gia đình, vừa sạch sẽ, ngon lành (nghệ thuật nấu ăn rất có ý nghĩa ở đây, kể cả có chút tài khéo léo bày biện trông đẹp mắt, ngon miệng, không quá xô bồ, thô kệch), biết đổi món ăn cho phù hợp với thời tiết nóng, lạnh. Không chỉ chú ý đến sở thích của các thành viên mà quan tâm lưu ý đến sức khoẻ từng người, gặp lúc ốm đau, mệt mỏi, đau bụng, tiêu hoá không tốt... để mỗi thành viên ngồi vào mâm cơm thấy có thể ăn một chút gì đó dù ốm đau (cháo, mì cho người ốm...) khiến họ rất cảm kích trước sự chăm nom, săn sóc của gia đình, đặc biệt của người vợ, người mẹ.

Tổ chức tốt bữa ăn thường ngày trong gia đình không chỉ là cung cấp năng lượng vật chất cần thiết cho sự sinh tồn của các thành viên, bồi dưỡng sức khoẻ cho họ mà còn chứa đựng những giá trị tinh thần tâm lý, tình cảm sâu sắc. Đó là sự quan tâm đến tâm trạng vui buồn của mỗi cá nhân, là vun đắp những mối quan hệ tình cảm ấm áp giữa các thành viên. Đó cũng chính là hạnh phúc gia đình đơn sơ, mộc mạc những lại đáng quý biết bao!

Làm sao để con bạn có thói quen thích đọc sách

Làm sao để con bạn có thói quen thích đọc sách

Con bạn có thích đọc sách không? Bạn đã làm gì để giúp chúng tiếp cận với sách báo và khơi gợi hứng thú của chúng trong việc đọc. Sau đây là một số mách nước nho nhỏ giúp bạn:

Có thể tập cho trẻ thích đọc sách ở lứa tuổi nào là tốt nhất?

Càng sớm càng tốt. Trẻ dưới 4 tuổi đã có thể nhận biết những cuốn sách có tranh ảnh đẹp, màu sắc cuốn hút. Bạn hãy dành thời gian kể những mẩu chuyện tranh đơn giản cùng lúc với việc giở cho chúng xem tranh ảnh về câu chuyện đó. Nếu không có thời gian, mỗi tuần chỉ cần tập cho chúng xem từ 2 đến 4 lần. Mỗi lần 15 đến 30 phút. Sau đó, hãy để những cuốn truyện tranh này ở đầu giường, trên kệ thấp, để trẻ có thể tự lấy xem khi chúng muốn.

Khuyến khích chúng tự kể lại câu chuyện theo ngôn ngữ của chúng. Nếu chúng có làm hỏng vài cuốn, đừng rầy la, vì như thế, bạn sẽ làm cho chúng ngại tiếp cận với sách báo.

Nếu trẻ hiếu động, không thích hợp ngồi một chỗ, làm sao để chúng chịu đọc sách?

Hãy lựa một câu chuyện hấp dẫn kể cho trẻ nghe một đoạn (không có đoạn kết). Bạn làm như thật sự không biết, đặt ra câu hỏi cho đoạn tiếp theo và "nhờ" trẻ đọc để trả lời. Ví dụ "Ráp lại thành cây tre 100 đốt, nhưng làm sao anh ta vác về nhà được nhỉ? Lâu quá rồi mẹ quên, con đọc tiếp và kể cho mẹ nghe với!". Trẻ con cảm thấy chúng được khám phá và có nhiệm vụ thật lớn "Kể cho mẹ nghe" (không có đứa trẻ nào lại không thích được khen. Đừng tiếc lời khen khi chúng đọc xong được một cuốn sách hoàn chỉnh).

Bắt đầu từ cuốn sách chúng thích, chứ không phải cha mẹ chúng thích.

Đừng bao giờ bắt trẻ xem những cuốn sách bạn cho là hay nhưng chúng không thích. Việc áp đặt này sẽ làm giảm mọi hứng thú của chúng, đồng thời làm chúng cảm thấy rất khó chịu. Kết cục là chúng chẳng rút ra được gì sau khi đọc cả.

Mùa hè, trẻ có thời gian rảnh nhiều hơn, bạn hãy kiên trì và khéo léo để chúng tận dụng thời gian này đọc sách báo. Sách thực sự là người bạn, người thầy tốt nhất của trẻ.

Để trở thành một người biết lắng nghe

Để trở thành một người biết lắng nghe

Lắng nghe là cả một nghệ thuật. Đó không chỉ đơn thuần là nghe qua. Nó đòi hỏi người nghe phải biết chủ động trong buổi nói chuyện cũng như biết cách kết hợp một số kĩ năng và kĩ thuật nhất định. Dưới đây là một vài mẹo vặt và những phương pháp bạn có thể áp dụng để trở thành một người biết lắng nghe thực sự, một người mà người khác luôn muốn trò chuyện.

Lắng nghe một cách chủ động: Nên nhớ rằng bạn đang lắng nghe. Hãy hướng sự chú ý vào người nói và làm cho họ thấy rằng dường như lúc này chỉ có một điều khiến bạn quan tâm: những gì họ đang nói.

Tập trung: Bày tỏ sự tôn trọng với người nói là việc làm cần thiết. Xem xét những ý kiến của họ thật kĩ lưỡng. Không nên đánh giá thấp hay tỏ ra coi thường những gì bạn đang nghe, vẻ mặt cũng không được lộ sự thiếu tôn trọng. Dĩ nhiên bạn không nhất thiết phải đồng ý với mọi việc họ nói, nhưng hãy đợi cho đến khi họ trình bày hết quan điểm của mình.

Đặt câu hỏi: Bạn sẽ có thắc mắc về những gì đã nghe. Và khi gặp thời điểm thích hợp, hãy đưa ra những câu hỏi để xác nhận lại thông tin, cũng là một cách để bạn bày tỏ sự quan tâm. Không nên lèo lái đề tài câu chuyện theo ý mình. Khi người nói bỗng dưng đề cập đến vấn đề nào đó khiến bạn đặc biệt quan tâm, bạn sẽ rất dễ bị lôi cuốn vào, rồi sẽ cắt ngang người nói để thao thao bất tuyệt với chủ đề đó. Và thường dẫn đến kết quả là làm cho người nói chuyển đề tài sang câu chuyện của bạn. Những người biết lắng nghe luôn để người kia làm chủ tình hình. Cách tốt nhất là ghi nhớ câu hỏi đó và sau khi người nói đã nói hết những điều họ muốn thì bạn hãy đặt câu hỏi. Trong lúc lắng nghe, bạn cũng không nên suy nghĩ xem đến phiên mình bạn sẽ nói gì. Vì nếu như vậy thì bạn sẽ không tập trung vào những gì người kia đang nói.

Hưởng ứng người nói: Đôi lúc khi bạn muốn khuyến khích người nói tiếp tục, hãy tỏ ra rằng bạn vẫn đang rất chú tâm tới câu chuyện của họ chỉ bằng cách nói: "Vậy ý của bạn là..." hay "Để xem tôi có hiểu đúng ý bạn không..." Và lặp lại những gì bạn nghĩ là mình đã nghe. Đây cũng là một cách hướng người nói sang chủ đề mới mà ngay chính họ cũng không định nói đến.

Sử dụng ngôn ngữ cơ thể: Hãy cởi mở với người nói. Mặt đối mặt và nhìn họ. Đừng để vật gì tạo ra khoảng cách giữa bạn và người nói. Nếu có thể, hãy bước ra khỏi bàn và ngồi bên cạnh họ. Cũng không nên khoanh tay trước ngực, hướng ra xa người nói, quay mặt đi chỗ khác, nhìn vào những thứ xung quanh trong phòng, hoặc liếc nhìn màn hình máy tính hay đọc sách báo. Hãy thực sự chú tâm vào người nói.

Diễn giải nội dung bạn muốn trình bày: Thường thì khi bạn không nắm vững một vấn đề, bạn sẽ chỉ chú tâm vào nói, nói và nói, thay vì phải diễn giải. Giải thích một cách chính xác có thể làm cho cả người nói và người nghe đều hiểu rõ vấn đề. Thật không dễ dàng khi phải suy đoán ý nghĩa ẩn sau những từ ngữ, lúc này diễn giải là rất cần thiết. Kỹ thuật này có thể giúp mọi người mở rộng cuộc nói chuyện, có thể khám phá những gì mà bạn thực sự muốn diễn đạt.

Im lặng: Im lặng làm cho người ta cảm thấy không thoải mái. Nó tạo một không khí nặng trĩu suy nghĩ và đôi khi là nỗi đau. Một người biết lắng nghe phải thật sự thoải mái khi ở trong môi trường đó. Thỉnh thoảng, chờ đợi vài phút trong im lặng sẽ giúp người nói có thể khai thác hết những cảm xúc thầm kín trong lòng. Làm chủ được sự im lặng, điều đó có nghĩa là bạn đã thành công.

Thực hiện được những yêu cầu trên, có thể nói rằng bạn là một người biết lắng nghe thực sự. Tuy nhiên, cuộc sống không phải lúc nào cũng chỉ toàn màu hồng. Có đôi lúc, bản thân chúng ta gặp thất bại trong việc lắng nghe, một việc tưởng chừng như đơn giản nhưng lại vô cùng phức tạp. Vậy, nguyên nhân nào khiến đại đa số chúng ta đều từng gặp khó khăn trong khả năng tiếp thu ý kiến, nhận xét của người khác?

Thái độ lắng nghe chưa tốt: Điếc hơn người điếc là người không muốn nghe. Ta thường hay ngộ nhận là ta biết rồi nên không muốn nghe hoặc chỉ nghe một phần, nhưng đến khi cần nhắc lại thì ta lại không nhớ. Tệ hại hơn nữa là ta chỉ nghe xem đối tác có gì sai, xấu để phản ứng lại.

Không chuẩn bị: Để nói một điều gì ta chuẩn bị rất kỹ tất cả các phương án. vậy mà trong giao tiếp ta chưa bao giờ chuẩn bị lắng nghe cả. Không chuẩn bị là chuẩn bị cho thất bại. Đó chính là nguyên nhân làm ta nghe kém hiệu quả.

8 lời "mách nước" để học tốt

8 lời "mách nước" để học tốt

Nếu bạn muốn học tốt và không biết nên làm thế nào? Nếu kết quả học của bạn vẫn không làm bạn hài lòng và bạn đang tìm thứ để đổ lỗi? Hãy thử làm theo 8 "lời khuyên" nhỏ sau đây:


1. Chọn góc học tập yên tĩnh, ngăn nắp

Góc học tập là phần rất quan trọng để học có hiệu quả. Một chỗ học yên tĩnh giúp bạn tập trung hơn là ngồi học cạnh cái TV đang bật và thỉnh thoảng nó lại có vài chương trình mà bạn yêu thích. Một góc học tập ngăn nắp khiến bạn dễ chịu hơn và chỉ nhìn là đã thấy... muốn ngồi vào bàn ngay rồi.

2. Tạo thói quen học tập hằng ngày 

"Văn ôn, võ luyện", quả không sai. Tốt nhất là hãy tạo cho mình một "thói quen" học tập. Ðịnh ra lịch học cho bản thân và nghiêm khắc thực hiện. Bạn sẽ thấy mọi việc khác hẳn mọi khi, chớ nên để bài vở dồn đống lại và rồi thức trắng đêm giải quyết chúng, mà thật ra đầu óc cũng không thể tiếp thu một lượng kiền thức lớn dồn trong một lúc. Hoàn thành mức bài vở định ra hằng ngày bạn sẽ có thời gian để ôn tập, thậm chí nhiều thời gian đi chơi hơn vì không phải lo lắng. Cuối cùng bạn lại có được "thói quen" chăm chỉ nữa!

3. Tham khảo ý kiến của thầy cô, bạn bè

Không phải chúng ta luôn giải quyết được bài vở bằng vở ghi và sách giáo khoa. Hãy tham khảo ý kiến thầy cô và bạn bè cùng lớp. Bạn có thể tìm được cách giải đúng, ngắn nhất cho bài toán khó; những ý hay cho bài văn phân tích và lớn hơn cả, kiến thức bản thân một lần nữa.

4. Tập viết ghi nhớ 

Nên tập viết ghi nhớ bởi bạn có thể không nhớ hết những mốc quan trọng để dành thời gian chuẩn bị bài vở cho tốt. Nên ghi lại những ngày có kiểm tra hoặc những ngày bạn sẽ phải nộp bài luận... Làm như thế, bạn luôn nhớ là còn có việc cần làm và không để "ngập lụt mới nhảy" hoặc lâm vào tình trạng không đủ thời gian chuẩn bị kiểm tra.

5. Thời gian biểu hợp lý 

Hãy tập thời gian biểu theo cách riêng của bạn. Khả năng tiếp thu và trí nhớ bị ảnh hưởng hoàn toàn bởi sự căng thẳng hay mệt mỏi nên bạn sẽ học không nổi. Ăn, học, nghỉ ngơi cần được sắp xêp chi tiết, đừng nghĩ là "ngày nào chẳng phải ăn với ngủ, xê dịch làm gì". Ngủ đủ 8 tiếng/ngày, nếu bạn đang thi và quá bận hãy ngủ ít nhất 7 tiếng/ngày. Không nên học liên tục trong nhiều tiếng. Nên nghỉ một lát và đi dạo, bạn sẽ thấy dễ chịu hơn trước khi tiếp tục ngồi vào bàn.

6. Tạo cảm hứng khi đển lớp

Có một số bạn lấy lý do là mình "không thích học" hoặc "không hợp môn này môn kia" để bỏ học dẫn đến chán học và uể oải trong lớp. Có thể mượn vở bạn khác để chép bài? Không nên, bởi chưa chắc khả năng ghi chép và cách ghi chép của người khác đã làm bạn hiểu được. Hơn nữa bạn tiếp thu rất nhiều kiến thức khi nghe giảng chứ!

7. Sách giáo khoa

Kiến thức mà bạn học đều được trình bày chi tiết theo các bước từ thấp đến cao trong SGK. Dù giáo viên chỉ yêu cầu học bài trong vở ghi, bạn đừng quên đọc kỹ lại trong sách, trả lời những câu hỏi sau mỗi bài, nếu có.

8. Ôn bài học theo chủ đề

- Tự mình lấy ví dụ cho bài học.

- Lập ra cách học thuộc của bản thân.

- Viết tổng kết chương hoặc bài dài.

- Ðánh dấu những đề mục quan trọng trong sách hay vở ghi.

- Dùng chủ đề bài học làm chủ đề nói chuyện với các bạn trong lớp và cố gắng xem mình nhớ được lượng kiến thức là bao nhiêu.

Cách giới thiệu

Cách giới thiệu

Có khi bạn cảm thấy lúng túng không biết giới thiệu một người bạn của mình với một người lớn hơn, hay một người khác… Kiểu như, bạn chẳng biết nói gì hoặc là nói vậy thì có đúng không. Vậy thì bạn hãy xem thử những chỉ dẫn sau đây:


Trước tiên, nên nhớ là hãy từ từ thôi, đừng vội vàng khi giới thiệu. Hãy dừng một phút để suy nghĩ xem bạn đang giới thiệu ai, và với ai mà họ đang được giới thiệu.

Giới thiệu hai người bạn khác phái: Người con trai luôn được giới thiệu với cô gái, bất kể tuổi tác của anh ta. Hãy nhìn vào cô bạn gái của bạn và nói tên cô ta trước, rồi xoay sang người con trai giới thiệu tên anh ta. Ví dụ: "Chi, đây là Danh. Còn đây là Chi".

Giới thiệu hai người bạn cùng phái: Nếu hai người, có một người lớn hơn người kia, thì giới thiệu người nhỏ hơn với người lớn hơn. Ví dụ: "Anh Khoa, đây là Thanh bạn em. Còn đây là Khoa, anh tôi". Còn nếu như họ tuổi gần nhau, thì giới thiệu người nào trước cũng được.

Con trai thường bắt tay nhau: Khi giới thiệu bạn trai với nhau thì họ thường bắt tay nhau. Nhưng nếu là hai người khác phái thì chỉ khi nào người con gái đưa tay ra trước, thì người con trai mới nên bắt tay. Nếu cô ta không tỏ ý muốn bắt tay thì người con trai chỉ nên khẽ cuối đầu thôi.

Con gái thì lại ít khi bắt tay với nhau. Dù không có quy luật nào nói rằng việc các cô gái bắt tay nhau là không hay, nhưng khi họ được giới thiệu thì thường họ chỉ mỉm cười và chào hỏi bình thường thôi.

Giới thiệu một người bạn của mình với người lớn tuổi hơn: Luôn nói tên của người lớn tuổi trước. Ví dụ: "Thưa Dì, đây là Thanh, bạn của con. Thanh, đây là dì tôi".

Giới thiệu bạn bè với cha mẹ mình: Không nên nêu rõ tên cha mẹ của mình. Câu đúng để nói là: "Thưa cha, đây là Thanh, bạn của con".

Giới thiệu một cô gái trên mười sáu tuổi với người lớn hơn là đàn ông: Người đàn ông luôn được giới thiệu với cô ta trước, bất kể đến tuổi tác của ông. Ví dụ: "Chi đây là cha của tôi. Thưa cha, đây là Chi, bạn con".

Giới thiệu cha mẹ bạn với người lớn tuổi: Nên giới thiệu về cha mẹ mình trước. Chẳng hạn, để giới thiệu mẹ bạn với cô giáo, nên nói "Thưa cô, đây là mẹ em".

Khi bạn được giới thiệu với người bạn khác, bạn nên nhìn vào người đó, mỉm cười và nói "Anh khỏe không?"… Câu hỏi này sẽ tốt hơn nếu bạn muốn tạo sự thân mật, thoải mái giữa bạn và người bạn mới. Những câu như "Rất vui mừng được gặp anh!" hay "Chào!" sẽ tạo cảm giác sáo hoặc đơn điệu…

Việc biết khi nào cần giới thiệu cũng quan trọng như việc biết cách giới thiệu như thế nào. Khi bạn đưa một người bạn đến nhà của người khác thì bao giờ cũng phải giới thiệu người đó với người mà bạn tới nhà. Nếu gặp người nào đó ngoài đường phố, mà người đó dừng lại nói chuyện khá lâu thì người đó cần phải được giới thiệu với bất kỳ ai đang đi cùng bạn. Bất kỳ người bạn nào mà bạn dẫn về nhà cũng phải được giới thiệu với các thành viên của gia đình mình. Không nên để một người đứng chờ trong khi bạn nói chuyện với người trong nhà mà anh/cô ta không quen biết.

Không nên giới thiệu những người gặp nhau ngắn ngủi, chẳng hạn như người chỉ gặp nhau qua đường mà bạn chỉ có đủ thời gian để nói lời chào vui vẻ…