Monday, October 3, 2016

10 điều con cái mong chờ ở cha mẹ

10 điều con cái mong chờ ở cha mẹ

Các bậc phụ huynh thường chỉ tập trung vào hành vi của con cái mà quên chú ý đến hành vi, cư xử của bản thân. Tại sao các ông bố bà mẹ không nhìn lại mình từ những mong chờ của con trẻ?

Trong một cuộc khảo sát tiến hành ở 100.000 đứa trẻ, với câu hỏi con cái cần gì nhất ở cha mẹ, 10 câu trả lời dưới đây rất đáng cho các đấng sinh thành suy ngẫm: 



1. Con cái không muốn cha mẹ cãi nhau trước mặt chúng. Trẻ con có khuynh hướng bắt chước bố mẹ. Cách bạn giải quyết những mâu thuẫn, xung đột gia đình sẽ tác động đến tâm lý và hành vi cư xử của trẻ. Hãy kiềm chế và xử lý bất đồng trong ôn hòa, nhã nhặn.

2. Muốn được cha mẹ đối xử công bằng với mọi thành viên khác. Đối xử công bằng với con cái không phải là cào bằng mọi thứ. Mỗi đứa con là một cá thể độc lập, nhưng tất cả đều cần tình yêu thương và sự cảm thông như nhau.

3. Cha mẹ là những người lương thiện, thành thật. Khi bạn bảo người tiếp thị qua điện thoại rằng bạn không có ở nhà nhưng thực tế bạn đang ngồi cạnh các con trong nhà, bạn đã gieo vào đầu con ý nghĩ không tốt về sự nói dối của người lớn.

4. Cha mẹ là những người bao dung, rộng lượng. Khi bạn có lòng khoan dung với mọi người, trẻ sẽ học được điều đó trong cư xử với những người xung quanh.

5. Niềm nở với các bạn của con. Khi con đưa bạn về nhà chơi, bạn sẽ dễ dàng nhận biết con mình kết thân với những ai và giúp con định hướng tình bạn. Hãy rộng mở cánh cửa đón chào bạn của các con.

6. Cha mẹ xây dựng tinh thần tập thể cho con cái. Mọi thành viên trong gia đình sẽ có trách nhiệm với nhau hơn, gắn bó hơn. Ý thức tập thể sẽ giúp con bạn phát triển tốt hơn trong môi trường học đường.

7. Cha mẹ là những người biết lắng nghe và giải đáp thắc mắc của con. Có bao giờ bạn cảm thấy có lỗi khi bảo "bây giờ cha/ mẹ bận lắm. Chúng ta hãy nói về việc này sau nhé". Và vấn đề ấy bị lãng quên, không được đề cập đến dù thời gian "sau này" đã qua không biết bao lần. Hãy dành thời gian để giải đáp những thắc mắc của con cái. Nếu bạn không có câu trả lời thì nên ghi nhận lại và giúp con tìm lời giải đáp sau.

8. Cha mẹ có thể phạt trẻ khi cần thiết nhưng nên tránh kỷ luật con trước mặt người ngoài, đặc biệt là trước bạn bè của con. Chúng cũng cần được tôn trọng và đối xử như người lớn.

9. Cha mẹ nên tập trung vào ưu điểm hơn là khuyết, nhược điểm của con. Hãy ghi nhận những điểm tốt và điểm chưa tốt của con và lựa lúc thích hợp chỉ ra cho chúng thấy để phát huy mặt mạnh và hạn chế mặt yếu.

10. Cha mẹ nên nhất quán và kiên định. Đôi khi sự linh động và mềm dẻo của bạn không làm hỏng trẻ; nhưng cần làm cho con cái hiểu tình yêu mà bạn dành cho chúng là không thay đổi và những nguyên tắc, những giới hạn bạn đặt ra cho trẻ là nhất quán.

15 cách giúp trẻ say mê học tập

15 cách giúp trẻ say mê học tập

Làm gì để giúp con học tốt là điều băn khoăn của không ít bậc phụ huynh. Tìm giáo viên giỏi, mua thật nhiều sách về nhà, bắt trẻ ngồi bên bàn học tất cả những lúc nào có thể...? Tất cả đều không mang lại hiệu quả nếu ở trẻ không có một niềm say mê học hỏi, tìm tòi.

Các bậc phụ huynh có thể tham khảo những cách dưới đây giúp con tạo niềm say mê để việc học tập của trẻ mang lại hiệu quả thực sự: 



1. Lắng nghe trẻ nói và giải đáp một cách ân cần, chu đáo những thắc mắc của trẻ.

2. Cùng đọc với trẻ tất cả những tài liệu nào mà chúng có và thích.

3. Kể với trẻ những câu chuyện về gia đình.

4. Có biện pháp hạn chế thời gian xem tivi của trẻ.

5. Luôn trang bị thêm sách và những tài liệu mà bạn cho là bổ ích cho trẻ.

6. Cùng trẻ tra tìm trong từ điển nghĩa của những câu chữ mà ngay cả bạn cũng chưa rõ.

7. Khuyến khích trẻ đọc những cuốn sách có kiến thức tổng hợp (ví dụ như bách khoa về loài vật).

8. Chia sẻ với trẻ những bài thơ, bài hát mà trẻ hoặc bạn yêu thích.

9. Đưa trẻ cùng đến thư viện, tìm những cuốn sách thú vị cho trẻ đọc để tạo niềm say mê sách. 10. Đưa trẻ đến viện bảo tàng hay những địa danh lịch sử tất cả những khi nào có thể.

11 Cùng trẻ thảo luận về những vấn đề mới (ở trường, ở nhà hay thậm chí cả ở ngoài xã hội) trong ngày.

12 Cùng trẻ khám phá những điều thú vị về thế giới thực - động vật hay những vấn đề thuộc lĩnh vực địa lý gần gũi xung quanh.

13 Tạo một góc học tập yên tĩnh cho trẻ.

14 Kiểm tra việc học và làm bài tập ở nhà của trẻ.

15. Gặp gỡ giáo viên dạy trẻ để biết rõ hơn về thái độ và thành tích cũng như những nhược điểm của trẻ khi ở trường, từ đó có sự điều chỉnh phù hợp trong việc hướng dẫn trẻ học.

Chọn bạn cho con - Chiến tranh hay hòa bình

Chọn bạn cho con - Chiến tranh hay hòa bình

Khi các nhà thống kê lên tiếng tỷ lệ nạo phá thai tăng cao, tỷ lệ quan hệ tình dục trước hôn nhân không giảm, các bậc cha mẹ giật mình tự hỏi họ đã hiểu biết quan tâm, chia sẻ với con cái đầy đủ?

Lo từ cái ăn, cái chơi, cái học hành, nhưng nhiều lúc các bậc cha mẹ vẫn giật mình tự hỏi: mình đã quan tâm, chia sẻ với con cái đến nơi đến chốn?


Bọn trẻ thời nay 

"Chúng tôi vẫn chọn lựa bạn bè cho con trai mình theo tiêu chí "cổ điển": phải học hành giỏi, con nhà tử tế, không chơi bời lêu lổng. Khi chơi ở chính ngay nhà mình chúng tôi dễ kiểm soát, không ở ngoài đường quá mười giờ đêm…" (ông bà L.T.N, 48 tuổi, Q.3)

Phản hồi từ con trai 18 tuổi: Cha mẹ tôi chọn bạn cho mình - không phải cho tôi - Chán!

"Chúng tôi chỉ lưu ý con mình chơi với bạn tốt tránh xa tệ nạn. Ngoài ra được phép đi chơi dã ngoại, du lịch với nhóm bạn của nó. Chúng tôi không cấm quan hệ bạn bè khác giới, chỉ luôn nhắc nhở không yêu đương quá sớm, hãy chú tâm đến việc học hành, vui chơi lành mạnh". (ông bà Đ.H.L, 52 tuổi, quận Tân Bình)

Phản hồi từ con trai 19 tuổi: Người lớn lạ thật - Cứ khác giới là nghĩ chuyện sẽ yêu nhau, sẽ bỏ bê học hành.

"Con gái tôi 18 tuổi - đã nghỉ học. Nó chat suốt ngày. Tôi cấm hẹn hò ở chỗ khác ngoài gia đình, bảo nó được phép tiếp bạn tại nhà nó bảo "không được", ai cũng lớn tuổi hơn nó sợ ba mẹ không đồng ý. Chúng tôi hỏi lớn hơn bao nhiêu, nó không trả lời cho đến khi một "ông già" 45 tuổi lò dò bấm chuông hỏi nhà cô H. (tên con gái chúng tôi). Chúng tôi té ngửa, cấm cửa luôn. Tại sao nó không chọn bạn đồng lứa?

Phản hồi từ con gái 18 tuổi: Chơi với bạn đồng lứa ba mẹ bảo "lũ nhãi ranh", chơi với người lớn hơn, ba mẹ bảo "sẽ bị lường gạt" thế là sao?

"Nó khăng khăng không có bạn gái, chúng tôi cũng chỉ thấy nó chơi với một lũ bạn trai... Bỗng một hôm, con bé bằng tuổi nó lù lù xuất hiện, nó giới thiệu "bạn gái con!". Không biết mối quan hệ ấy thế nào, chỉ biết kết quả thi đại học của nó "không ăn ớt mà cay…" khổ không!” (ông bà H.N.T., quận Bình Thạnh).

Phản hồi từ con trai: Tôi thi rớt, tại tôi không phải tại “nó”. Ba mẹ tôi áp đặt tội vào “nó” là không được.

Chiến tranh và hoà bình

Tuổi trẻ hôm nay dường như có khuynh hướng "thoát ly" khỏi những ràng buộc gia đình, nhưng cha mẹ không dễ chấp nhận sự "thoát ly" ấy. Làm bạn với con là xu thế được xem là văn minh, hiểu biết. Nhưng làm bạn thế nào?

Ông bà Đ.H.L được xem là khá tiêu biểu cho khuynh hướng cởi mở với con cái, nhưng rồi ông L. cũng thở dài: "Tôi cho nó dân chủ, cho sự thoải mái trong học và chơi, cho nó tự chọn bạn, cho rất nhiều thứ mà cha mẹ khác chưa chắc đã đồng ý. Nhưng xem lại, hình như chúng tôi vẫn sai. Yêu không xấu, nhưng trong giai đoạn cần tập trung nhất cho việc thi cử nó đã lơ là và rớt là kết quả… tất yếu. Đôi khi tôi nhớ đến cái roi mây của ông cụ tôi, không chừng độc đoán, đòn vọt lại hay”. Nhưng đòn vọt như ông N.- cũng chưa hẳn là hay. Càng cấm con gái có bạn, cấm đi chơi, cấm ra khỏi nhà thì cô con gái 17 tuổi mở cửa sổ cho bạn trai vào. Kết quả - ai cũng biết sẽ ra sao?

Chọn bạn cho con hôm nay vẫn như sóng ngầm hoặc chiến tranh, hoặc hoà bình… Mà giới trẻ dường như đang đi nhanh hơn cha mẹ. Cái nhanh bởi đời sống đương đại, dòng chảy ào ạt của môi trường nhiều cái mới hơn thời cha mẹ sống.

Mà cha mẹ lại thường đi thong dong, chậm rãi… 

Ngân hàng tình yêu

Ngân hàng tình yêu
Nhà tâm lý học Trịnh Trung Hòa

Không ít người tưởng rằng việc ta yêu ai hay ghét ai là do ý muốn của mình, hay nói khác đi do lý trí chúng ta quyết định. Nhưng thực ra trong chuyện này, lý trí không giải quyết được gì, vì tình cảm có quy luật riêng của nó. Tuy nhiên khi nói đến những điều này chúng ta thường cảm thấy rất mơ hồ, đôi khi rối như mớ bòng bong. Nhưng từ khi lý thuyết ngân hàng tình yêu (love bank) của Williams Harley, nhà tâm lý học hiện đại người Mỹ xuất hiện vào năm đầu của thế kỷ này, nguyên nhân yêu, ghét mới được lý giải rõ ràng, nhiều chuyên gia tâm lý đã áp dụng nó vào việc cứu vãn hôn nhân. Năm 2003 họ đã thử nghiệm với 863.700 cặp vợ chồng và đạt tỉ lệ thành công 67% mà trước đó chỉ đạt dưới 30 %.


Tại sao ta yêu người này, ghét người kia?

Tại sao bạn có hai đứa con lại yêu đứa này, ghét đứa kia, trong khi lý trí mách bảo rằng cả hai đứa đều là con bạn và phải yêu chúng như nhau? Bạn cố gắng điều chỉnh tình cảm của mình để yêu thương cả hai đứa nhưng vẫn không được. Bạn có thể ngồi thủ thỉ hàng giờ với đứa con này, còn đứa kia chỉ ba câu đã muốn nổi nóng. Tại sao lại có hiện tượng đó? Có người giải thích là tại mẹ tuổi hổ, con tuổi dê chẳng hạn nên "ăn thịt" nhau. Có người lại bảo bố “mệnh thuỷ" con "mệnh hoả" xung khắc về tử vi tướng số. Williams Harley không tin vào điều đó, ông phát hiện trong mỗi chúng ta có một ngân hàng tình yêu và những người ta giao tiếp hằng ngày, có liên kết tình cảm với ta đều có một tài khoản của họ trong ngân hàng đó. Mỗi khi gặp nhau, nếu người ấy làm cho ta hạnh phúc, họ thêm vào số dư của họ một đơn vị tình yêu (love unit), làm cho tài khoản của họ tăng lên, đến một ngưỡng nào đó, ta sẽ thích họ và nếu đó là một đối tượng khác giới có thể ta sẽ yêu họ, muốn được gần họ, không muốn rời ra vì ở bên họ ta thấy mình hạnh phúc và ta cũng muốn làm cho họ hạnh phúc. Trái lại nếu mỗi lần gặp ai đó, người ấy lại gây cho mình khó chịu, là họ đã rút đi một đơn vị tình yêu, làm cho tài khoản của họ nghèo đi, đến một ngưỡng nào đó la sẽ ghét họ. Hoá ra con người đâu có quyết định được việc mình yêu ai hay ghét ai. Nói khác đi, lý trí không điều khiển được tình cảm mà phụ thuộc hoàn toàn vào sự điều chỉnh của cái mà Harley gọi là ngân hàng tình yêu.

Khi người đàn ông và đàn bà yêu nhau, những cảm xúc của họ thôi thúc họ làm cho nhau hạnh phúc, vì số dư tài khoản trong ngân hàng tình yêu của họ lúc này đạt tới ngưỡng cửa tình yêu lãng mạn.Bạn đã thực sự yêu ai thì dường như người ấy chẳng phải cố gắng gì cũng làm cho bạn hạnh phúc. Và nếu người đó yêu bạn thì bạn chỉ cần làm theo ý thích của mình, hoàn toàn có tính bản năng cũng có thể làm cho người đó sung sướng. Chính do đặc điểm này, nên sau một thời gian yêu say đắm, nhừng kẻ tình nhân trở nên lười nhác, họ tưởng rằng một khi đã có tình yêu thì cứ thế mà hưởng cho đến hết đời. Họ không biết rằng ở đời bất cứ cái gì đã có lúc lên thì cũng có lúc xuống và ngân hàng tình yêu cũng bị điều chỉnh như vậy, không có ngoại lệ. Qua khảo sát nhiều cặp vợ chồng, cảm giác của tình yêu lãng mạn dễ lụi tàn hơn là chúng ta tưởng. Nếu số dư của ngân hàng tình yêu tụt xuống dưới ngưỡng yêu lãng mạn thì vợ chồng chẳng những mất đi những cảm xúc mạnh mẽ với nhau, mà họ cũng đánh mất luôn khả năng làm cho nhau hạnh phúc. Thay vào đôi mắt đắm đuối ngày nào, giờ đây là cặp mắt hững hờ. Giọng nói gắt gỏng, khô khan, không còn âu yếm nữa. Cuộc sống chung trở nên tẻ nhạt và họ bắt đầu nghĩ đến ly dị, hoặc ít nhất sống cuộc sống không hạnh phúc. Lý thuyết ngân hàng tình yêu cho thấy rất rõ vì sao tình cảm vợ chồng suy giảm. Nếu bạn muốn những cảm xúc của bạn luôn hỗ trợ cho cuộc hôn nhân, bạn phải giữ số dư trong tài khoản lúc nào cũng đạt đến ngưỡng cần thiết và phải làm sao giữ được ở độ cao đó , đừng để số dư tụt xuống dưới ngưỡng đó.


Khi vợ chồng khủng hoảng

Khi một cặp vợ chồng khủng hoảng về tình cảm đưa nhau tới văn phòng tư vấn hôn nhân của Williams Harley ở Mỹ, ông thường tách họ ra hai phòng khác nhau và yêu cầu mỗi người trả lời trên giấy câu hỏi sau đây: "Người bạn đời của bạn có thể làm cho bạn điều gì thì bạn hạnh phúc? Câu hỏi đó xoáy vào vấn đề cốt lõi của mọi cuộc hôn nhân, nếu ta muốn cứu vãn nó. Sau đó, ông chuyển tờ giấy của người này cho người kia xem và họ thường không ngờ rằng người bạn đời của mình lại chỉ thích những điều đơn giản như vậy Nói chung, sự quan tâm chăm sóc trong hôn nhân thường có tác dụng làm ho nhau hạnh phúc nhưng rồi nó cứ mai một đi với thời gian và cùng với sự mất mát đó, chúng ta cũng đánh mất luôn niềm vui được chăm sóc nhau. Nhưng điều quan trọng hơn là khi sợi dây liên hệ tình cảm đã đứt, ta không biết người kia muốn được mình chăm sóc như thế nào? Trước đây để cứu vãn hôn nhân, người ta thường khuyên vợ chồng phải cố gắng chăm sóc nhau thật nhiều như để bù lại sự thờ ơ mà mình đã gây ra nhưng không mấy ai biết rằng chăm sóc nhau cũng phải đúng cách. Chăm sóc sao cho số dư tiền gửi ở Ngân hàng tình yêu tăng lên, chứ không phải là gây khó chịu, làm cho nó rút đi. Muốn làm được điều đó trước nhất ta phải biết lúc này người bạn đời muốn gì?


Thế nào là cảm xúc cần?

Đó là khi ta khao khát cái gì, nếu được thoả mãn thì ta hạnh phúc. Trái lại, dù người kia cố gắng chăm sóc ta nhưng không đúng cái mà ta muốn sẽ làm ta khó chịu. Trong hôn nhân có vô vàn cảm xúc cần. Một bó hoa mừng sinh nhật, một bát xôi ăn sáng, một chiếc vé xem phim hoặc tay trong tay đi dạo. Nói chung mỗi người một sở thích chẳng ai giống ai. Nếu bạn cảm thấy thích được ai làm như thế cho mình thì đó là nhu cầu cảm xúc của bạn. Có những người, cứ mỗi lần gặp họ, ta thấy vui. Bởi vì họ đáp ứng đúng nhu cầu cảm xúc của ta. Không gặp được họ thì ta nhớ. Nhiều nỗi nhớ ấy tích lại sẽ thành khao khát và vượt qua cái ngưỡng ấy là tình yêu. Cũng có người mỗi lần gặp, ta lại thêm bực mình vì họ cứ làm những cái mà ta không muốn. Nhiều nỗi bực mình ấy tích lại ta sẽ ghét họ, nhiều lần ghét quá sẽ thành căm thù.

Việc đầu tiên để khôi phục lại tình cảm vợ chồng là làm sao xác định được cái gì là nhu cầu cảm xúc quan trọng nhất của người kia, điều mà sẽ làm cho họ hài lòng và hạnh phúc. Phải luyện tập làm sao trở thành kỹ năng trong việc phát hiện những cảm xúc cần của người bạn đời, khi đó mới có thể làm tăng số dư tài khoản trong ngân hàng tình yêu. Nhưng việc này không đơn giản, Harley thú nhận lúc đầu tiếp xúc với khách hàng, ông phải hỏi hàng trăm người đàn ông và đàn bà câu hỏi: "Chồng hay vợ bạn có thể làm cho bạn điều gì thì bạn hạnh phúc nhất?". Họ viết ra những cái mà họ muốn và ông phân loại những nhu cầu cảm xúc của họ thành nhiều phạm trù. Cuối cùng, ông liệt kê được 10 nhu cầu cảm xúc sau đây:

1. Cảm phục.

2. Âu yếm.

3. Trò chuyện

4. Giúp đỡ nội trợ

5. Quan tâm đến gia đình

6. Đóng góp tiền bạc

7. Thành thật và cởi mở

8. Ngoại hình hấp dẫn

9. Tiêu khiển vui chơi

10. Quan hệ tình dục


Theo Harley, khó có nhu cầu cảm xúc nào nằm ngoài danh mục 10 thứ này. Nhưng thường thì mỗi người không giống nhau khi yêu cầu họ liệt kê ra những nhu cầu cảm xúc của họ. Trong danh mục 10 nhu cầu nói trên thì 5 là đàn ông thấy cần thiết với họ, còn 5 điều kia là của phụ nữ, cả hai đều rất cá nhân.


Làm sao để vợ chồng hiểu nhau? 

Không có gì ngạc nhiên khi những đôi vợ chồng khủng hoảng lại khác nhau đến thế khi nói ra những điều họ muốn. Đơn giản vì họ thiếu đồng cảm! Thực ra những đôi vợ chồng đã chấp nhận cần phải có sự giúp đỡ của các nhà tư vấn hôn nhân là họ đều muốn cứu vãn cuộc hôn nhân sẵn sàng làm cho nhau cái mà người kia muốn nếu khả năng họ cho phép, tiếc rằng họ không nhận ra. Cái mà người này đánh giá là quan trọng nhất thì người kia lại cho là tầm thường nhất. Muốn giúp họ, phải làm sao để người này biết người kia cần gì? Tuy nhiên chúng ta chỉ có thể biết những nhu cầu cảm xúc quan trọng nhất của những người đàn ông, đàn bà bình thường mà đừng hy vọng biết được cảm xúc cần có của những người đặc biệt. Ngay cả với những cuộc hôn nhân bình thường cũng có cái mà người đàn ông, đàn bà nào cũng cần thì chưa chắc đã là cái mà đôi vợ chồng này cần. Có thể nói nhu cầu cảm xúc của mỗi người phản ánh con người họ, những lối sống và quan niệm của họ về cuộc sống, về hạnh phúc, tình yêu. Nếu đôi nào trùng hợp nhau những nhu cầu cảm xúc thì họ hạnh phúc. Harley hay đặt câu hỏi với những khách hàng trong đầu chỉ nghĩ đến ly hôn: "Nếu ly hôn, sau này anh có kết hôn với ai nữa không?". Có người nói: "Nếu gặp người tôi yêu”. Lại hỏi: "Vậy trước khi cưới người vợ hiện nay, anh có yêu không?". Hầu hết khách hàng trả lời là có. Vậy tình yêu ấy đâu rồi? Phải chăng nó đã rơi vãi trong hành trình gian nan của hôn nhân. Nếu anh lấy người khác, liệu có đi vào vết xe đổ ấy không, khi chỉ thay đổi đối tượng kết hôn này bằng một đối tượng khác mà phương pháp vẫn không thay đổi. Chi bằng ta hãy thử khôi phục lại tình yêu trong cuộc hôn nhân này, tránh được bao nhiêu đổ vỡ mà kẻ thiệt thòi nhất là những đứa con. Phương pháp của Harley không nhằm vào hoà giải hay giải quyết xung đột. Ông chủ trương khôi phục tình yêu. Một khi tình yêu được khôi phục thì xung đột cũng được giải quyết một cách dễ dàng. Vậy là một mũi tên trúng hai đích. Chính vì thế ngày càng nhiều người áp dụng phương pháp cứu vãn hôn nhân của Harley và thu được những kết quả khả quan trong một lĩnh vực mà từ trước đến nay nhiều người rất bi quan. 

Dạy con ở nhà một mình

Dạy con ở nhà một mình

Trẻ dễ lo lắng khi ở nhà một mình.

Sẽ có lúc bạn có việc chẳng đặng đừng phải đi vắng và để con ở nhà một mình. Để trẻ không sợ hãi, bạn có thể tập cho nó cách ứng phó với tình huống trên ngay từ bây giờ.

Hướng dẫn trẻ cách sử dụng các vật dụng quen thuộc trong nhà để nó biết tự xoay xở khi không có bạn bên cạnh. Nên viết những hướng dẫn đó ra giấy rồi dán đâu đó để trẻ thường xuyên nhìn thấy và ghi nhớ dễ dàng.

Dạy trẻ cách sử dụng điện thoại và ghi lại lời nhắn khi có ai gọi đến. Đặt ra những tình huống giả định khẩn cấp để trẻ luyện tập cách nói chuyện qua điện thoại khi muốn được giúp đỡ.

Lưu ý trẻ cẩn thận khi tiếp xúc với người lạ, ngay cả bạn bè cũng không nên mời vào nhà mà đợi cha mẹ trở về.

Nếu trẻ có anh chị em, nên dặn dò không nên cãi vã nhỏ nhặt và gọi điện than phiền khi không cần thiết. Nhưng bạn cũng nên để ý lắng nghe khi con muốn chia sẻ những lo lắng hay phiền muộn.

Hãy nhớ rằng dù trẻ có khôn ngoan hay cư xử chững chạc thì cũng có khi mắc sai lầm. Do đó, hãy động viên con thật nhiều và xem những sai sót như cách học hỏi thêm kinh nghiệm.

Cho con thấy sự tin tưởng và sẵn sàng thưởng "hậu hĩnh" nếu nó không sợ hãi và làm tốt việc được giao khi ở nhà một mình.

Làm "trọng tài" cho con cái

Làm "trọng tài" cho con cái

Người mẹ là trọng tài trong các cuộc tranh chấp, nhưng có sự tham gia xử lý của người cha thì ảnh hưởng sẽ “nặng ký” hơn. Cha mẹ có thể tạo ra những tình huống giáo dục bằng cách chơi chung với trẻ, làm tăng sự hợp tác.

Để giúp con cái sống hoà thuận, cha mẹ hãy áp dụng 5 nguyên tắc sau đây:


Nhìn toàn cảnh

Nhà giáo dục Elizabeth Crary nói: "Người lớn thường xuyên can dự vào cuộc tranh chấp nên họ không nhìn được toàn cảnh". Đứa trẻ tạo hỗn loạn bằng hành vi thù nghịch cũng có thể là nạn nhân của sự trêu ghẹo liên tiếp từ một đứa trẻ khác. Biết rõ điều gì đang xảy ra thì cha mẹ có thể giúp đỡ cho cả hai đứa trẻ.

Nhận biết trẻ để có dịp khuyến khích trẻ có cách xử sự tốt: "Mẹ thích cái cách mà con cho em cùng chơi như vậy".


Tập trung vào tình cảm

Khi tức giận, trẻ cũng khó xử lý đúng. Trước hết, đặc biệt với đứa nhỏ hơn, cha mẹ có thể cần gợi ý. Chẳng hạn: "Mẹ biết con buồn vì chị con không cho con chơi bút màu", hoặc: "Con có vẻ buồn vì mẹ dành nhiều thời gian cho em bé". Khi trẻ thấy tình cảm của mình được nhận biết, thì trẻ thường dễ thông cảm hơn với người khác.


Bảo vệ quyền sở hữu của trẻ

Tài sản và quyền cá nhân khá quan trọng đối với trẻ. Nên bảo vệ “quyền sở hữu” của trẻ để hạn chế việc tranh giành, đối chất. Khoảng riêng tư cũng đáng được bảo vệ. Tuy nhiên, cũng cần khuyến khích ở trẻ sự nhường nhịn hợp lý.


Để trẻ tự trả lời

Hãy giúp trẻ tự tìm ra cách giải quyết. Kế hoạch 3 bước là “thượng sách”. Một, xác định vấn đề: “Tranh giành cái gì?”, Hai, thúc đẩy sự hiểu biết bằng cách hỏi trẻ lặp lại quan điểm của chúng: “Anh/chị/em con nói gì về việc chơi đồ chơi?”. Ba, hãy xem trẻ có thể tìm cách giải quyết hay không.


Làm gương tốt

Người mẹ là trọng tài trong các cuộc tranh chấp, nhưng có sự tham gia xử lý của người cha thì ảnh hưởng sẽ “nặng ký” hơn. Cha mẹ có thể tạo ra những tình huống giáo dục bằng cách chơi chung với trẻ làm tăng sự hợp tác. Được kích thích, trẻ sẽ thân thiện, biết yêu thương nhau trong gia đình.

Khi chơi, trẻ học được những gì?

Khi chơi, trẻ học được những gì?

Trẻ em tiếp thu rất tốt khi chơi. Tất cả các bậc cha mẹ đều mong đứa con 3-4 tuổi của mình được chuẩn bị để học chữ. Họ sốt ruột vì thấy trường mẫu giáo cho cháu chơi nhiều hơn học. Ðừng lo lắng! Chơi là chương trình học rất tốt! Tất cả các hoạt động vui chơi cháu bé tham gia sẽ xây dựng cho trẻ khả năng nhận thức, tình cảm, thể lý và xã hội.

Học từ các khối nhựa, gỗ...:

Những vật hình khối giúp trẻ nhận thức được không gian ba chiều, khái niệm sau này sẽ là nền tảng cho những bài hình học, vật lý, kiến trúc và kỹ thuật. Trẻ mẫu giáo thích tưởng tượng những vật hình khối có kích cỡ to, vừa, nhỏ như đó là bố, mẹ và con. Qua đó, trẻ thể hiện sự hiểu biết về những mối tương quan kích cỡ trong thế giới thật. Các bé gái ít có cơ hội phát triển những kỹ năng quan trọng nếu bọn con trai giành hết các đồ chơi xây dựng. Vì thế, những cô mẫu giáo giỏi thường sử dụng nhiều đồ chơi khác nhau để khuyến thích các bé gái tham gia trò xây dựng. Các bé trai thường xếp những khối to nhỏ với nhau thành lâu đài, con tàu vũ trụ... và hình dung trong đầu một khung cảnh nào đó trên con tàu. Như thế chúng có cơ hội phát triển trí tưởng tượng mà các bé gái thường học qua những trò đóng kịch với búp bê, chơi bán hàng...

Học qua đường nét:

Hầu hết trẻ ba tuổi thích vẽ hay viết nguệch ngoạc. Dù với bạn, những đường nét đó là vô nghĩa nhưng chúng lại rất ý nghĩa đối với "tác giả" của chúng. Lúc 4 tuổi, nhiều em bắt đầu vẽ những hình và tranh biểu tượng cho người, cảnh hay những thứ chúng thấy hay tưởng tượng ra. Cũng như việc học từ vựng giúp trẻ suy nghĩ tốt hơn, chuyện vẽ nguệch ngoạc hay vẽ tranh có thể là bước nhảy ban đầu để quan sát thế giới xung quanh. Khi những hình vẽ của trẻ ngày càng phức tạp, chúng cũng chú ý nhiều đến chi tiết và thường hỏi những câu cụ thể hơn, như : "Sao cái đuôi con chó kia ngắn quá vậy?".

Học khi hát và múa:

Hát những bài hát ngắn giúp trẻ 3 tuổi thưởng thức âm thanh của từ và là bước chuẩn bị cho trẻ học đọc sau này. Khi 4 tuổi, chúng có thể hát những bài hát dài hơn, múa những bài múa đơn giản theo nhịp điệu của những nhạc cụ như trống, thanh gõ, và trống lắc. Hát và múa cũng giúp trẻ tự nhiên, linh động và sáng tạo, những điều rất cần ở các lĩnh vực khác trong cuộc sống.

Trí tưởng tượng trong chuyển động:

Khi chơi với những đồ chơi như xe hơi, xe tải, máy bay, tàu lửa..., và giả vờ hồi hộp vì tốc độ, trẻ mẫu giáo cảm thấy lớn mạnh và trưởng thành. Khi trẻ tưởng tượng và chơi trò đi xe trên một con đường dài, có thể trẻ đang nghĩ cách vượt qua nỗi lo lắng vì phải xa rời người thân. Một nữ tiến sĩ tâm lý học kể rằng có hai đứa bé trai 3 tuổi suýt bị tai nạn xe hơi. Vài tuần sau, hai chú bé đó diễn lại sự cố kinh hoàng đó trong góc sân chơi ở trường mẫu giáo. Bà nói: "Chơi giúp trẻ vượt qua những phản ứng xúc cảm của nó".

Chơi ráp hình: 

Khi chơi ráp hình (với bộ Lego chẳng hạn), trẻ phát triển khả năng suy luận về không gian, quan sát những kiểu mẫu và chi tiết, thực tập sự phối hợp tay và mắt. Chúng sẽ tiến từ những bài tập ráp hình tương đối đơn giản (khoảng 10 miếng lắp ráp) tới những bài tập khó hơn (hơn 20 miếng lắp ráp nhỏ hơn, phẳng, những miếng lắp ráp ăn khớp với nhau). Những bài tập lắp ráp không nên quá khó (sẽ gây bực dọc!) hay quá dễ (gây chán nản!) nhưng nên vừa đủ thách thức trẻ để dạy chúng tập trung và kiên trì giải toán. Nếu cho một nhóm cùng làm, chúng có thể làm được những bài tập ráp hình rất khó, đồng thời trẻ học được các cộng tác và trù tính những chiến lược để giải bài.

Chơi ngoài trời:

Ðộng tác chạy và trèo làm cho trẻ phát triển những kỹ năng thể lý, củng cố cơ bắp và thực tập thế cân bằng. Vì ngoài sân trẻ ít bị giám sát hơn trong lớp nên sân chơi cũng là nơi hoạt động chung để học những bài học có tính xã hội. Ngoài sân, trẻ học cách chia sẻ và thay phiên nhau, bày trò để chơi chung. Khi xung đột nảy sinh, chúng giải quyết bằng cách của chúng, học cách thương lượng và đánh giá khả năng của một nhóm, một "phe".

Giả vờ đọc:

Một số ít trẻ mẫu giáo có thể đọc thật, nhưng thường thì chúng không biết đọc và chỉ thích lướt qua những quyển sách nào có nhiều hình minh hoạ. Trẻ 4 tuổi có thể nghe một câu chuyện nhiều lần rồi "đọc" chuyện đó theo trí nhớ cho bạn cùng lớp. Kiểu đọc giả vờ này, cũng như viết giả vờ, là khúc dạo cần thiết cho việc đọc và viết thực sự. Những lúc ấy, trẻ đang học ba bài học quan trọng: kể chuyện có mở đầu, nội dung và kết thúc; chia sẻ câu chuyện với những người khác; và kết bạn thật sự với sách.