Monday, October 3, 2016

Để tiết kiệm quỹ thời gian

Để tiết kiệm quỹ thời gian

Đời người thật ngắn ngủi. Quỹ thời gian của mỗi người rất hạn hẹp so với yêu cầu sử dụng. Vậy làm thế nào để tiết kiệm được thời gian một cách triệt để nhất?

- Ra khỏi giường ngay khi thức dậy cũng tiết kiệm được 20 đến 50 phút mỗi ngày. Vào buổi sáng sớm, tinh thần minh mẫn hiệu suất công tác sẽ cao. Buổi trưa cảm giá buồn ngủ tăng lên vào lúc 2 – 3 giờ chiều, hiệu quả công việc sẽ thấp, lúc này nên đọc báo, dọn dẹp hay phân loại thư từ...

- Hãy lập kế hoạch cho các công việc. Chỉ cần 20 phút cũng tiết kiệm được một giờ. Chớ mang mọi điều vơ vẩn vào trong đầu, hãy ghi lại mọi thứ cho đầu óc thanh thản.

- Hãy liệt kê những việc cần làm theo danh mục ưu tiên. Nếu có nhiều việc thì ghi từng nhóm công việc. Thí dụ nhóm A là quan trọng nhất, rồi đến nhóm B và C (cũng có thể dùng bút màu đánh dấu)

- Không tiếp loại khách tiện thể ghé đến. Nhiều người có thói quen luôn mở cửa văn phòng khi đang làm việc, tuy họ rất niềm nở với khách vãng lai những hiệu quả công việc lại rất thấp. Hãy xin lỗi khách vì thời gian rất bận, hoặc hẹn khách lui thư thả.

- Hạn chế điện thoại. Nếu gặp khách thích dông dài, hãy thông báo sắp cúp máy.

- Trước khi gọi điện hãy ghi các chủ đề cần trao đổi, ghi rõ mục tiêu.

- Để tiết kiệm thời gian lúc chờ đợi, có thể mang theo thư từ, tư liệu để đọc. Tốt nhất hẹn trước các cuộc tiếp xúc.

- Cũng cần tận dụng thời gian dù rất hiếm để thư giãn, chợp mắt buổi trưa sẽ tránh được mệt mỏi buổi chiều. Tập thể dục cho đầu óc minh mẫn. Thở sâu ít phút cũng làm giảm bớt sự căng thẳng và nếu công việc căng thẳng quá, có thể nghỉ một ngày.

Phê phán và sáng tạo

Phê phán và sáng tạo


Tất cả chúng ta đều mong muốn làm việc trong một môi trường sáng tạo, nơi mà mọi hoạt động đều hướng tới một mục đích chung là tạo nên những kết nối mới, nhằm phục vụ cho cuộc sống của chính chúng ta với một không khí thật "fresh & fun".

Vì vậy, có một nguyên tắc chung mà tất cả mọi người đều biết: chúng ta tránh phê phán, không quy kết. Nguyên tắc này đưa ra để mọi người có thể phát huy hết khả năng, ý tưởng của mình mà không phải e dè hay lo sợ người khác chê cười.

Nếu chúng ta luôn phê phán một cách tiêu cực, bi quan với một thái độ xa lánh thì hậu quả nào tất yếu sẽ xảy ra? Mọi người sẽ không thể sáng tạo nên cái mới, không thể khuyến khích người khác phát huy hết khả năng của mình nếu lúc nào họ cũng tìm cách bác bỏ những ý tưởng mới vì một vài lý do chủ quan.

Nhưng chúng ta có nên loại bỏ hoàn toàn sự phê phán hay không? Câu trả lời thật đáng ngạc nhiên. Phê phán không đáng chê như vậy, thậm chí, phê phán là một giai đoạn không thể thiếu của sáng tạo.


* Phê phán mang tính sáng tạo là gì?

Trước hết, chúng ta phải hiểu phê phán là gì. Theo tôi, phê phán chính là chỉ ra những yếu tố, thành phần mang tính cũ, lạc hậu, tiêu cực hay tính “ì” trong hệ thống. Như vậy, nó là một bước trong giai đoạn nhận thức vấn đề khi ta muốn giải quyết một vấn đề gì đó một cách sáng tạo.

Thật vậy, khi gặp một vấn đề, việc đầu tiên chúng ta nên làm là phải hiểu bản chất của vấn đề. Nếu ta coi vấn đề như một hệ thống thì, phê phán chính là cái nhìn giúp chỉ ra đâu là thành phần gây bất ổn, đâu là cái làm cho chúng ta không đạt được mục đích đề ra.


* Làm thế nào để nhận thức vấn đề bằng phê phán?

Muốn tìm ra những yếu tố trì hoãn hệ thống, mọi người cần phải hiểu thật rõ hệ thống mà chúng ta xem xét một cách bằng cách, sử dụng chính khái niệm của nó để tìm hiểu nó. Nói một cách đơn giản, muốn giải một bài toán hình học, chúng ta không thể dùng khái niệm số âm, số dương hay số nguyên tố của đại số để suy nghĩ được. Chúng ta phải dùng những khái niệm như đường thẳng, đoạn thẳng… để tìm ra lời giải phải không các bạn. Khi đã phân biệt được từng yếu tố, đâu là giả thiết, đâu là kết luận của bài toán, chúng ta sẽ nhìn thấy ngay đâu là yếu tố gây mất ổn định của hệ thống, để từ đó tìm cách giải quyết vấn đề.

Cũng giống như khi làm brainstorming, chúng ta phải luôn nhớ rằng, mục đích của chúng ta là giải quyết vấn đề một cách sáng tạo, vì vậy chúng ta phải nhìn nhận những gì chưa tốt theo con mắt tích cực, nhằm hướng đến mục tiêu của sáng tạo là tạo ra kết nối mới, có ích, có ý nghĩa đối với con người. Làm như vậy ta sẽ không bị rơi vào trạng thái quy kết, phê phán một cách tiêu cực như đã nói lúc đầu. Rõ ràng là, nếu ta có thái độ xa lánh những gì chưa tốt, ta không thể hiểu & giải quyết được vấn đề, nói cách khác, ta sẽ không đạt được mục đích của sáng tạo.

Ngoài ra, chúng ta cũng nên nhớ rằng, bên cạnh cái không tốt, cái tiêu cực của nó, ta cũng có thể tìm ra những yếu tố có thể giúp ích cho chúng ta. Nghĩa là, sự phê phán phải mang tính kế thừa. Chúng ta không đơn thuần loại bỏ cái cũ mà còn học tập, phát huy những gì hay, tiến bộ trong hệ thống, thậm chí trong chính yếu tố gây cản trở hệ thống mà ta đang xem xét.


* Tác dụng
Như mọi người đều biết, sáng tạo là tạo ra một cái gì đó mới, có ích, có ý nghĩa, làm cho cuộc sống trở nên thoải mái, không bị gò ép. Khi chúng ta vạch rõ những gì chưa tốt, những gì còn xấu trong hệ thống, có nghĩa là chúng ta đã chỉ ra được, đối tượng mà chúng ta cần thay đổi là gì. Và khi chúng ta loại bỏ yếu tố, thành phần đó, chúng ta đã tạo ra được một hệ thống hoàn toàn mới. Ở đó, tính lạc hậu, tiêu cực đã bị loại bỏ, cái tiến bộ, cái mới đã được kế thừa.

Rõ ràng, trong hệ thống mới này, chúng ta lại có thể phát hiện ra những gì chưa được để rồi cải tiến, sáng tạo thêm cho nó phục vụ tốt hơn cho cuộc sống con người. Phê phán giúp ta có một cái nhìn khách quan, luôn mong muốn tạo ra một cái mới, tốt hơn, có ích hơn, tuyệt vời hơn. Nó giúp cho chúng ta luôn sáng tạo một cách không ngừng, vì bất kỳ hệ thống nào cũng có thể phát triển tốt hơn, giúp ích cho con người nhiều hơn.

Đối với mỗi cá nhân, cái nhìn phê phán giúp cho chúng ta, khi nhìn nhận bất cứ một vấn đề nào cũng có cái nhìn toàn diện, không chỉ nhìn vào những gì tốt đẹp của nó mà còn giúp ta chỉ ra những gì cần phải biến đổi, cần phải sáng tạo thêm.


* Tóm lại

Cuộc sống là một chuỗi những thách thức, muốn chiến thắng, chúng ta phải vượt qua những thách thức một cách sáng tạo. Việc trước tiên chúng ta cần làm là phải hiểu bản chất của vấn đề mà ta đang đối mặt. Sau khi đã chỉ rõ bản chất của vấn đề bằng con mắt phê phán, chúng ta bắt tay vào giải quyết vấn đề một cách sáng tạo. Sau khi vấn đề được giải quyết, chắc chắn cuộc sống lại đặt ta vào một thách thức mới. Và chúng ta? chúng ta luôn sẵn sàng cho sự khởi đầu mới, phải không các bạn?

15 quy luật làm việc nhóm

15 quy luật làm việc nhóm

15 quy luật làm việc theo nhóm:

1. Quy luật về tầm quan trọng: Một cá nhân riêng lẻ không thể tạo ra thành công lớn được.

2. Quy luật toàn cảnh: Mục tiêu quan trọng hơn là vai trò.

3. Quy luật thích hợp: Tất cả mọi người đều có điểm mạnh riêng của mình.

4. Quy luật thách thức lớn: Thử thách càng lớn thì yêu cầu làm việc theo nhóm càng cao.

5. Quy luật chuỗi: Sức mạnh của cả đội sẽ bị ảnh hưởng nếu như có một liên kết yếu nào đó.

6. Quy luật xúc tác: Những nhóm làm việc thành công có những cá nhân có thể thay đổi mọi thứ.

7. Quy luật tầm nhìn: Tầm nhìn giúp cho mọi thành viên có phương hướng hoạt động và sự tự tin.

8. Quy luật “con sâu làm rầu nồi canh”: Những thái độ không tốt có thể làm hỏng cả đội.

9. Quy luật về lòng tin: Những người cùng làm việc trong nhóm phải tin tuởng lẫn nhau khi làm việc.

10. Quy luật chi phí: Nhóm làm việc sẽ thất bại trong việc vươn tới tiềm lực của mình khi thất bại trong việc trả giá.

11. Quy luật ghi điểm: Nhóm có thể tạo ra những điều chỉnh khi biết rõ vị trí của mình.

12. Quy luật vị trí: Những nhóm giỏi có tầm hiểu biết rộng.

13. Quy luật nhận dạng: Những giá trị chung xác định rõ bản chất của nhóm.

14. Quy luật giao tiếp: Sự tác động lẫn nhau kích thích hoạt động tốt hơn.

15. Quy luật về sự lợi thế: Sự khác nhau giữa hai nhóm làm việc hiệu quả tương tự nhau là khả năng lãnh đạo.


Những đặc điểm của nhóm thắng cuộc:

- Có các thành viên giỏi, hầu hết các thành viên đầu rất bình tĩnh và tự tin mặc dù họ có thể xứng đáng là những “ngôi sao“ trong đội nhưng họ luôn tạo điều kiện để cả đội có thể “toả sáng“ cùng nhau.

- Có thói quen thắng lợi bởi vì họ luôn có nhiều kế hoạch để thành công sau lưng họ, nếu không thì họ sẽ tham gia vào mọi hoạt động và mong chờ mình sẽ chiến thắng.

- Phát triển tính hiệp lực xuất phát từ việc thắng lợi và không chỉ được phát triển bằng những cấp số đơn giản mà còn bằng hàm mũ như 1 x 1 = 11

- Phát triển cả năng lượng tinh thần và thể chất để vựơt qua những khó khăn.

- Tạo ra một bầu không khí thắng lợi làm cho mọi người xung quanh hiện diện như là người chiến thắng.

- Làm lan truyền tinh thần chiến thắng khiến những ngườI mới đến thích nghi với tinh thần hoạt động của cả đội. Làm thế nào để cho các thành viên trong đội hợp tác tốt với bạn?

- Thường xuyên giao tiếp với mọi người và khen ngợi họ.

- Bàn bạc với mọi người về công việc của họ.

- Khuyến khích mọi người trong việc tham gia đặt mục tiêu cho cả nhóm.

- Hướng dẫn mọi người về tinh thần làm việc theo nhóm, các cơ hội ...

Xây dựng tinh thần làm việc nhóm

Xây dựng tinh thần làm việc nhóm

Đây là một nét văn hóa mới nơi công sở, mang giá trị gắn kết các cá nhân rất cao. Trong môi trường làm việc tập thể, mọi cá nhân hiểu và tin rằng việc tư duy, lập kế hoạch, quyết định và hành động sẽ được thực hiện tốt hơn khi tất cả cùng hợp tác. Người ta nhận ra, hiểu rõ, và tin rằng: "Không một ai trong chúng ta có thể giỏi bằng tất cả chúng ta hợp lại".

Khó có thể tìm được một môi trường nào bỏ qua cách thức làm việc theo đội nhóm. Ở Mỹ, từ trường học, gia đình và những họat động giải trí, khát khao chiến thắng, được là người xuất sắc và vươn đến đỉnh cao nhất luôn được đặt lên hàng đầu. Mỗi công nhân rất hiếm khi được đề bạt, thăng chức trong môi trường đề cao tính hợp tác thực thụ. Các tổ chức vẫn tiếp tục làm việc và đánh giá những cá nhân, những ý tuởng, những kiến thức và trải nghiệm khác nhau. Trong khi đó, sẽ còn phải một thời gian khá dài nữa thì việc đánh giá giá trị cuả sự hợp tác tương trợ mới có được những quy tắc tiêu chuẩn.

Nhưng dù sao, bạn vẫn có thể tạo nên "tinh thần làm việc nhóm" bằng cách thực hiện đúng một số những bước đi. Thật sự, đây là những công việc hết sức khó khăn, nhưng với sự sốt sắng và đánh giá đúng giá trị cuả nó, bạn có thể tạo nên ý thức đội nhóm trong toàn bộ tổ chức của mình.


Xây dựng một tinh thần chung cho nhóm bạn:

Để khai sinh ra nét văn hóa này bạn cần thực hiện những hành động sau đây.

Các giám đốc điều hành phải làm cho nhân viên hiểu rằng lối làm việc theo nhóm và sự hợp tác tương trợ giữa họ thật sự được mong đợi. Không ai hoàn toàn sở hữu một phạm vi hay một khâu nào trong quá trình làm việc cả. Những người thật sự làm chủ những vị trí hay một qui trình nào đó lại thường rất cởi mở, luôn sẵn sàng tiếp thu những ý tưởng và nguồn tư liệu cung cấp bởi những người khác. Những nhà điều hành xây dựng mô hình đội nhóm thông qua mối quan hệ giữa cá nhân với cá nhân và với các bộ phận khác của tổ chức. Họ duy trì đội nhóm ngay cả khi mọi việc tiến triển theo xu hướng có vẻ sai lệch và những cám dỗ mọi người quay trở lại lề thói làm việc trước kia luôn đe dọa. Các thành viên cuả công ty bàn bạc và xác định giá trị cuả văn hóa đội nhóm.

Làm việc theo nhóm là hoạt động luôn được công nhận và đánh giá cao. Những người lang thang cô độc, cho dù có là một nhà sản xuất xuất sắc tới mức nào đi nữa thì cũng được đánh giá thấp hơn những cá nhân đạt được thành quả cùng với nhiều người khác. Sự đền bù, tiền thưởng và những phần thưởng...phụ thuộc vào thực tế mức độ hợp tác cũng như đóng góp và thành tựu đạt được của từng cá nhân. Những vấn đề và nghiên cứu quan trọng được thảo luận trong các công ty đều nhấn mạnh hoạt động đội nhóm. (Bạn có nhớ có năm, một đội sản xuất bao bọc nút chai đã giảm được những 20% lượng phế liệu chứ? Những người làm việc tốt và chưa bao giờ thăng tiến lại chính là thành viên cuả đội này). Cơ cấu quản lý hoạt động rất chú trọng và đánh giá những đội nhóm. Thường thì các thông tin phản hồi thống nhất trong toàn bộ hệ thống; tất cả các phản hồi từ đồng nghiệp, từ các báo cáo trực tiếp và từ cấp lãnh đạo đều có những ảnh hưởng mạnh mẽ đối với những hành xử trong công việc cuả bạn.

Mẹo nhỏ để tạo nên tinh thần làm việc nhóm:

Có bao giờ bạn hình dung sẽ cho cả nhóm cuả mình nghỉ xả hơi tại một khu nghỉ mát và tham gia những trò chơi... khi suy nghĩ về việc xây dựng đội nhóm? Có rất nhiều công ty đã từng áp dụng phương thức truyền thống này. Và rồi sau đó họ tự hỏi tại sao cái ý thức tuyệt vời về đội nhóm mà họ đã tạo ra thông qua những trải nghiệm trong các cuộc đi chơi, hay các cuộc hội thảo... lại không thể giữ vững một ảnh hưởng lâu dài lên lòng tin và các hoạt động cuả nhân viên trong công việc.

Tôi không phải là người ghét các cuộc đi chơi chung hay việc lập kế hoạch cho các buổi họp, hội nghị... và những hoạt động nhằm xây dựng văn hoá đội nhóm -bởi thực ra, thường thường tôi lại chính là người đầu têu trong các hoạt động này mà - nhưng cái quan trọng là mỗi cá nhân phải trở thành một phần của một nỗ lực lớn hơn. Bạn sẽ không thể nào lập nên "văn hoá đội nhóm" chỉ thông qua vài chuyến đi chơi chung dài mấy ngày trong năm. Bạn hãy nghĩ về nó như là một công việc mà bạn phải thực hiện mỗi ngày. Hãy thành lập các nhóm và đội để giải quyết các vấn đề thực tế và để nâng cao hiệu quả công việc. Cung cấp các chương trình huấn luyện để họ có thể mở rộng năng lực cuả mình khi tham gia trực tiếp vào các dự án và quy trình làm việc. Nếu các thành viên của nhóm không "ăn khớp" với nhau, hãy xem xét lại quá trình làm việc của họ. Thường vấn đề nằm ở chỗ họ không thống nhất ý kiến trong cách thức phân phối một sản phẩm hay một dịch vụ nào đó, hoặc cũng có thể là trong việc thực hiện các bước yêu cầu nào đó để hoàn tất công việc.

Cần tạo ra những dịp vui và các cơ hội chia sẻ trong lịch họp chi tiết cuả công ty. Tổ chức các bữa ăn trưa nhẹ, dẫn nhân viên đến tham dự các trận thi đấu thể thao. Chiêu đãi họ bữa tối tại nhà hàng trong khu vực; cùng họ đi dã ngoại hoặc đến các công viên giải trí... Sau sự đánh thức của sự kiện ngày 11 tháng 9, các nhà lãnh đạo vì nhiều lí do nào đó, lại có xu hướng cắt bỏ những hoạt động mang tính thiết lập đội nhóm này mà không nhận ra đây chính là thời điểm cần thiết nhất cuả việc hình thành "văn hoá đội nhóm". Hãy sử dụng những bài tập "tan băng" (pha trò bằng nhưng mẩu chuyện vui)và các trò chơi ngắn có tác dụng gắn kết mọi người trong các hoạt động tình nguyện.

Gần đây tôi được làm việc với một công ty, ở đó các cuộc họp nhân viên được tổ chức hàng tuần. Mỗi người tham gia cuộc họp đều đem đến một trò chơi vui có tác dụng "làm tan băng" (ice breaker), những hoạt động này thường được giới hạn trong 10 phút, nhưng nó có thể giúp cho mọi người có những tiếng cười sảng khoái và thật sự hiểu về nhau hơn - quả là một sự đầu tư nhỏ cho một ý thức lớn về hoạt động đội nhóm. Tuyên dương thành quả cuả các nhóm một cách công khai, trang bị cho mỗi người áo T-shirt và mũ giống nhau, viết tên thành viên cuả nhóm trong bằng khen hoặc chứng nhận khen thưởng, cho doanh thu hàng hoá cuả công ty chẳng hạn.

Bạn chỉ bị giới hạn trong chính trí tưởng tượng của mình mà thôi. Hãy xem xét những việc có vẻ khó khăn ở trên và tiến hành các hình thức hoạt động đã được liệt kê ở đây. Bạn sẽ thật sự ngạc nhiên với những bước tiến mà bạn đạt được trong công tác xây dựng văn hóa đội nhóm, một nền văn hoá có thể giúp cho mỗi cá nhân đóng góp sức mình nhiều hơn những gì họ nghĩ.

7 điều đồng nghiệp không ưa

7 điều đồng nghiệp không ưa

Có những việc làm, hành động nơi công sở khiến cho chúng ta bị mất lòng tin của đồng nghiệp.


Thói càm ràm

Than thở, kể lể về những khó khăn mình gặp phải trong công việc, chế độ không hợp lý, tiền lương thấp, làm vất vả… sẽ làm cho hình ảnh của người đó ngày một nhỏ bé trong mắt đồng nghiệp. Những người hay than sẽ bị đồng nghiệp hình dung với khuôn mặt luôn mệt mỏi, cau có và không muốn nói chuyện cùng vì sợ sẽ làm hỏng mất tâm trạng hưng phấn, vui vẻ.


Hay nhờ vả

Chẳng có gì sai khi bạn nhờ đến sự giúp đỡ của bạn bè. Nhưng đừng nhờ vả quá thường xuyên, nhất là những việc lặt vặt như đi lấy nước uống, đóng ghim tài liệu, mua hộ đồ ăn. Nhiều đồng nghiệp khó tính sẽ tự ái vì nghĩ họ đang bị sai vặt.


Chỉ trích người khác một cách thiếu thiện chí

Trong các cuộc họp, phê bình là hình thức xây dựng tốt nhất, song sự thiếu thiện chí trong khi đưa ra vấn đề sẽ làm mọi người khó chịu về bạn. Nếu nhìn thấy những khuyết điểm của người khác, bạn hãy nhẹ nhàng và khéo léo góp ý với riêng họ trước khi đưa vấn đề ra cuộc họp toàn cơ quan.


Nịnh sếp
Lấy lòng sếp trên là cần thiết nhưng hãy cẩn thận kẻo tự biến mình thành kẻ xu nịnh. Những hành động khúm núm hay chu đáo một cách thừa thãi sẽ làm cho đồng nghiệp nghĩ người như vậy không có bản lĩnh.


Giả bộ quan tâm tới người khác

"Cậu khỏe chứ? Nhà cửa thế nào? Con cái học hành tốt chứ?" - những câu hỏi vồn vã sẽ khiến cho đồng nghiệp cảm động và bộc bạch chuyện cá nhân. Song người hỏi lại nghe một cách lơ đãng hoặc tỏ ra chăm chú nhưng ít hôm sau lại lặp lại những câu hỏi thân tình đầy công thức như vậy khiến đồng nghiệp thất vọng hiểu rằng với câu hỏi đó, họ chỉ cần đáp lại "Ổn cả, ổn cả. Cảm ơn!" là xong.


Né trách nhiệm

Trách nhiệm là điều mà phần lớn mọi người đều e ngại mỗi khi công việc gặp sai sót, sự cố. Nếu chúng ta dũng cảm nhận khuyết điểm thì mọi chuyện sẽ nhẹ nhàng đi rất nhiều. Né tránh trách nhiệm và quy tội cho người khác có thể chúng ta cứu được mình một lần trong mắt sếp nhưng lại mất đi tình cảm của rất nhiều người. Kết quả là đồng nghiệp sẽ rất ngại khi làm việc chung nhóm với người thiếu trách nhiệm.


Nói quá nhiều về bản thân

Ai cũng có nhu cầu bày tỏ bản thân với bạn bè, đồng nghiệp. Câu chuyện về gia đình sẽ làm mọi người xích gần nhau hơn. Song, không có gì chán hơn là nghe đến phát chán tai những lời kể lể đầy tự hào về gia đình của một đồng nghiệp. Nào là con cái học giỏi, vợ, chồng hòa thuận, nhà cửa khang trang, những sở thích của bản thân... Sẽ không ít người cho rằng người đó mắc chứng… hay khoe khoang.

"Thuật" khen ngợi

"Thuật" khen ngợi

Có thể có người cho rằng chúng ta hoàn toàn có thể bày tỏ được ý muốn "lấy lòng" người khác bằng thái độ và hành động cụ thể. Điều đó không sai, nhưng chưa đủ. Bởi ngợi khen bằng lời vẫn là phương pháp biểu đạt tốt nhất thiện ý của bạn với đối phương.

Tuy nhiên, khi chúng ta muốn thể hiện "những lời có cánh" đó tới đối phương cũng cần có nghệ thuật, cần tế nhị, chứ không nên thô cứng. 


Trước hết hãy đề cập đến những gì liên quan đến anh ta bằng những lời nói cung kính, trân trọng. Còn phần mình thì nên nói một cách vừa phải, ý khiêm nhường, tránh tâng bốc, khoe khoang.

Bạn đừng cho rằng làm như vậy là tâng bốc người khác, nếu nó được dùng một cách thích hợp, đúng lúc, đúng chỗ sẽ khiến đối phương cảm thấy dễ chịu và thiện cảm với bạn.

Thường thì nhân viên trong công ty rất ít quan tâm đến việc cấp trên đi công tác về. Kỳ thực đây chính là một cơ hội rất tốt. Một nhân viên lịch thiệp, lúc này sẽ bước tới đón cấp trên, đồng thời không thể quên nói những câu như: "Giám đốc (hoặc xưng theo chức vụ) anh đã về rồi! Anh vẫn khỏe chứ? Chắc là mọi việc đều tốt đẹp cả chứ ạ?... Sau đó xách đồ đạc giúp ông ta, và nhắc thư ký hoặc đích thân mình đi pha trà mời ông ta. Lời nói và thái độ ân cần của bạn là một cách "lấy lòng" khá hiệu quả đấy. Chẳng ai lại không hài lòng khi cấp dưới của mình quan tâm, chu đáo với mình như vậy, phải không?

Những việc nhỏ như vậy thường khiến cấp trên nhớ lâu. "Người không làm được việc nhỏ thì làm sao làm được việc lớn"- có lẽ đó là một tiêu chuẩn mà đa số lãnh đạo dùng để đánh giá cấp dưới của mình.

Lại nữa, khi ăn cơm trưa, không nên lúc nào cũng chăm chú với các đồng nghiệp của mình, hãy đánh tiếng chào mời cấp trên. Có thể cấp trên còn bận những việc khác nên không đi ăn cùng được, nhưng một tiếng chào sẽ để cho người ta cảm giác khác hẳn so với trường hợp mà khi cấp trên còn ngồi đó, vừa tới giờ ăn trưa là râm ran cùng các đồng nghiệp khác rời vị trí.

Những người cấp trên ít nhiều đều có mong muốn được nói chuyện, truyền kinh nghiệm, giáo huấn đối với cấp dưới, vậy bạn hãy là một người nghe trung thực, lắng nghe những lời huấn dụ say sưa của ông ta. Với những nhân viên chịu chăm chú lắng nghe những lời của mình hơn những người khác, tất nhiên là cấp trên sẽ càng tín nhiệm và có đánh giá cao hơn.

Thực tế, người ta sẽ có cảm tình hơn với những đối tượng chịu nghe mình phát ngôn. Khi nghe cấp trên nói chuyện, thỉnh thoảng bạn hãy bày tỏ tình cảm, sự đồng tình, cảm động, thỉnh thoảng nhắc lại lời cấp trên; xin cho những giải thích tỉ mỉ hơn. Lúc đầu sẽ có chút gượng, nhưng mấy lần sau tự nhiên sẽ quen.

Tóm lại, dù bạn có mệt mỏi, khó chịu, dù bạn ở đâu, làm gì cùng cấp trên, xin đừng quên nói với cấp trên những lời "kính trọng" với thái độ chân thành. Hãy chú ý lắng nghe và thực hiện những dặn dò của cấp trên với thái độ "cung kính" và tác phong nhanh nhẹn.

9 cân nhắc khi chọn nghề

9 cân nhắc khi chọn nghề

Theo nghiên cứu của một nhóm các doanh nghiệp ở New York, một nửa số người có việc làm tại Mỹ không thoả mãn với công việc hiện tại của mình. Hầu hết họ muốn thay đổi từ 3 đến 5 nghề và mong muốn có tới 10 hoặc hơn nữa sự khác biệt trong công việc của họ.

Điều đó cho thấy rằng, các quyết định nghề nghiệp không đúng đắn sẽ gây nên những hậu quả khỏ tránh khỏi như buồn chán trong công việc, không hoàn thành nhiệm vụ hay trách nhiệm bị lơ là... Vậy làm thế nào để đạt được sự thoả mãn và thành công trong nghề nghiệp?

Nếu bạn muốn có một công việc hoàn hảo, hãy dành một chút thời gian để cân nhắc 9 yếu tố sau đây của các chuyên gia tư vấn Susan peni (một công ty tuyển dụng lao động lớn của Mỹ) trước khi bắt đầu công việc mới.

1. Điểm mạnh của bạn 

Hãy liệt kê những kỹ năng và khả năng được xem là ưu thế đặc biệt của bạn. Chú ý làm bật lên những nét tiêu biểu của cá nhân bạn như: lòng nhiệt tình, tính trung thực, những kỹ năng mà bạn học được có thể ứng dụng trong rất nhiều ngành nghề. Đặc biệt, nên nhấn vào những kỹ năng mà do giáo dục, đào tạo và kinh nghiệm mà bạn đã có được.

2. Sở thích của bạn

Nên liệt kê các sở thích của mình trước khi quyết định chọn việc. Chẳng hạn, bạn có giỏi về công nghệ thông tin không? Bạn có hay sửa chữa máy móc hay các đồ dùng trong nhà không? Bạn có thích chụp ảnh không? Hay bạn có khả năng đặc biệt gì với các con số? Bạn có sẵn lòng giúp đỡ mọi người giải quyết các vấn đề khó khăn?... Hãy cân nhắc tất cả sở thích của bạn.

3. Động lực thúc đẩy

Động lực thúc đẩy bạn tìm kiếm công việc là yếu tố cực kì quan trọng. Bạn nên cân nhắc kỹ nó. Hãy thử đặt nhiều câu hỏi khác nhau: Bạn làm công việc này vì lợi ích cộng đồng? Vì bạn muốn có quyền lực? Hay bởi bạn cảm thấy nó sáng tạo và phù hợp với bạn? Sự đa dạng, độc lập, sự thừa nhận của xã hội, mức lương và mức độ nguy hiểm của công việc quan trọng như thế nào với bạn? Hãy cố gắng trả lời tất cả các câu hỏi đó.

4. Tiền lương tháng 

Tiền có thể là một trong các yếu tố cho bạn có những quyết định có nên làm ở công ty đó hay không. Nếu bạn cảm thấy nghề nghiệp đó phù hợp với mình, bạn sẵn sàng chấp nhận mức lương thấp, vì lý do gì? Liệu bạn có hy vọng được mức lương cao hơn trong công việc này?

5. Vị trí mong muốn 

Quyết định mức độ trách nhiệm bạn có thể đảm đương trong công việc. Bạn muốn mình ở vi trí nào trong công ty? Bạn muốn mình là người lãnh đạo? Vậy bạn có giỏi trong công tác quản lí nhân sự không? Hay bạn thích làm ở một vị trí nào khác? Từ mong muốn đó, bạn hãy lựa chọn công việc phù hợp với bản thân.

6. Địa điểm làm việc 

Cân nhắc vị trí, địa điểm của công ty bạn muốn làm. Bạn là người hay di chuyển? Loại hình công việc bạn lựa chọn là gì? Bạn có muốn làm việc gần những nơi đông người và thuận tiện giao thông đi lại không? Khi đặt ra các yêu cầu đó, tất nhiên khu vực làm việc của bạn sẽ bị giới bạn nhưng bù lại nó lại phù hợp với nguyện vọng và sở thích của bạn.

7. Mức độ hiểu biết riêng 

Liệt kê tất cả những hiểu biết, những kiến thức mà bạn học được từ trường phổ thông, từ thói quen, hay những kinh nghiệm gia đình....Ví dụ, bạn có giỏi nấu ăn không? Bạn có đầu óc sáng tạo trong việc thiết kế, trang trí nhà cửa không?... Chỉ cần một hoặc hai điểm mạnh của mình, bạn có thể trở thành một ứng viên đặc biệt. Chẳng hạn, bạn hiểu biết về môn thể thao đua xe, bạn sẽ trở thành chuyên gia tư vấn về đua xe.

8. Môi trường làm việc 

Chịu khó rút kinh nghiệm từ những công việc trước, những điều bạn thích và không thích để lựa chọn môi trường làm việc mới thích ứng với bạn. Chẳng hạn, bạn muốn làm việc cho một tổ chức, một công ty lớn hay nhỏ? Bạn có muốn làm việc ở nơi yên tĩnh không? Bạn thích những người làm cùng với bạn phải như thế nào?

9. Mẫu đồng nghiệp của bạn 

Cần biết chính xác trình độ các đồng nghiệp của bạn trong môi trường mới. Nếu bạn đã từng làm việc cho một ông chủ trình độ yếu kém hay làm cùng một nhóm người thiếu hiểu biết thì bạn sẽ biết tại sao điều này lại quan trọng. Bạn muốn làm việc với những người sáng tạo? Những người luôn hoà đồng hay những người theo "chủ nghĩa cá nhân"? Bạn muốn ông chủ tương lai của mình là một người hay xoi mói, theo dõi bạn từng bước chân hay là người để cho bạn làm việc tự do, độc lập?

Sau khi cân nhắc 9 điều trên, chắc chắn bạn sẽ không phải hối tiếc cho sự lựa chọn nghề nghiệp của mình.